Cuốn “The Zen Doctrine of No-Mind” (Pháp môn Vô niệm của Thiền), theo chúng tôi, là một trong những tác phẩm chủ yếu của Tiến sĩ Suzuki. Những luận giải về cuốn Kinh của Lục tổ Huệ Năng, thực sự luận về vấn đề trọng yếu của Thiền; ở điểm tối hậu đó, chúng ta có thể đạt được trực giác trí tuệ của thể tánh con người khi nó tự nghi vấn về chính nó. Tư tưởng của Huệ Năng diễn đạt hình tướng với hình thức thanh tịnh nhất, vi diệu nhất và thâm đạt nhất toàn bộ giáo lý Thiền.
Trích Tựa đề của Bản Dịch tiếng Pháp "Le Non-Mental dans la pensée Zen"
Khi Hoằng Nhẫn thông báo cho các môn đồ rằng ai có thể làm được một bài kệ (gāthā) hợp ý diễn đạt cái thấy về Thiền của họ sẽ được làm Tổ Thứ Sáu. Thần Tú viết :
Thân là cây bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn siêng lau chùi
Chớ để bụi trần bám.
« Bắc tông dạy rằng tất cả chúng sinh đều được phú bẩm Bồ-đề, giống như bản tánh tấm gương phản chiếu ánh sáng. Khi phiền não dấy lên, gương không phản chiếu được, giống như bị bụi phủ. Nếu, theo lời Sư dạy, chế ngự và diệt được vọng niệm thì chúng sẽ ngừng tác động. Khi ấy tâm nhận được sự chiếu sáng của tự tánh, không còn bị che mờ nữa. Đây giống như người ta lau tấm gương. Khi không còn bụi, gương chiếu sáng và không còn gì ngoài ánh sáng của nó. »
Thần Tú dạy Giới, Định, Huệ như vầy :
Chẳng làm điều ác là Giới,
Làm những việc lành là Huệ,
Tự làm cho tâm trong sạch là Định.
Cũng có thể hiểu như sau :
Khi vọng niệm không còn tác động thì có Giới
Khi vọng niệm không còn hiện hữu thì có Định
Khi nhận thức được sự không hiện hữu của vọng niệm thì có Huệ
Huệ Năng làm bài kệ để phản đối bài kệ của Thần Tú
Bồ-đề vốn không cây
Gương sáng chẳng phải đài
Xưa nay không một vật
Chỗ nào bám bụi trần.
“Xưa nay không một vật” – là tuyên ngôn đầu tiên của Huệ Năng. Đây là quả bom ném vào dinh trại của Thần Tú và các bậc tiền bối của ngài. Như thế Thiền của Huệ Năng trở thành đối nghịch, trong những dòng kệ vĩ đại của ngài, với thiền định thuộc kiểu “lau sạch bụi trần”. Thần Tú hoàn toàn không sai lầm và người ta đúng khi giả định rằng Thầy ngài, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, mà cũng là Thầy của Huệ Năng, đã nhìn sự vật cùng một thể cách nếu ngài không nói rõ ràng như vậy.
Huệ Năng dạy Giới, Định, Huệ như vầy :
Đất tâm không bịnh là Giới của Tự tánh
Đất tâm không loạn là Định của Tự tánh
Đất tâm không lỗi là Huệ của Tự tánh
Cách thấy của Thần Tú và cách thấy của Huệ Năng là đồng nhất, một người tuyên bố một cách tiêu cực điều mà người kia tuyên bố một cách tích cực. Có cái thấy chậm, có cái thấy nhanh.
Theo Huệ Năng, khái niệm “ Vô niệm ” là cái căn bản của Phật giáo Thiền. Thực tế, ngài đưa ra ba khái niệm như là cấu tạo nên Thiền, và “ Vô niệm ” là một trong ba khái niệm đó; hai khái niệm kia là “ Vô tướng ” (wu-hsing) và “ Vô trụ ” (wu-chu). Huệ Năng tiếp: “Vô tướng là tuy ở nơi tướng mà lìa tướng; vô niệm là tuy ở nơi niệm mà chẳng niệm; vô trụ là cái bổn tánh con người ở thế gian.”
Ngài còn định nghĩa “ Vô niệm ” theo cách sau:
“Này các thiện tri thức, nếu khi tiếp xúc tất cả trần cảnh [^1] mà Tâm không bị nhiễm, ấy gọi là Vô niệm. Dù cho ở nơi niệm mà Tâm luôn luôn lìa tất cả trần cảnh, khi tiếp xúc với trần cảnh chẳng để Tâm biến động theo trần cảnh… Này các thiện tri thức, tại sao lấy Vô niệm làm căn bản? Chỉ vì những kẻ mê, miệng nói thấy tánh, nhưng khi tiếp xúc với trần cảnh thì liền khởi niệm, tôi nói là vì những kẻ ấy. Họ không những đối cảnh sanh tâm mà còn khởi lên cái thấy tà vạy, do đó mà tất cả những khổ nhọc thế gian và thói quen sinh ra. Nhưng trong tự tánh vốn chẳng có một pháp nào có thể sở đắc. Nếu còn có chỗ sở đắc thì phúc họa hẳn còn; và chẳng có gì khác hơn là nắm buông vọng tưởng. Vì thế trong pháp tôi lấy Vô niệm làm gốc.”
“Này các thiện tri thức, không (wu: vô) ấy là không việc gì? Niệm ấy là niệm cái chi? Không ấy là không hai tướng, không có cái tâm lao xao vì trần cảnh. Niệm ấy là niệm cái bổn tánh của Chơn như; vì Chơn như là Thể của niệm và niệm là Dụng của Chơn như. Chính Tự tánh của Chơn như khởi niệm; bởi vì Chơn như có Tự tánh, niệm khởi ở đó; nếu không có Chơn như ở đó thì mắt tai cùng với sắc tướng, âm thanh sẽ hư hoại. Do tự tánh của Chơn như khởi niệm, khi mà trong sáu căn tuy có thấy, nghe, nhớ, biết mà tự tánh chẳng nhiễm bất cứ một cảnh nào, mà Chơn tánh thường tự tại, phân biệt rõ ràng tất cả pháp tướng, và ở trong bất động theo nghĩa thứ nhất.”
Bây giờ chúng ta hãy trở lại với mối tương quan giữa Định và Huệ. Quả thực đây là một trong những đề tài tái diễn không ngừng trong triết học Phật giáo, và chúng ta không thể thuyết minh được, nhất là trong một nghiên cứu về Thiền. Sự dị biệt phân cách hai tông của Huệ Năng và Thần Tú cốt yếu nằm trong sự bất đồng của họ trong đề tài về mối tương quan này. Thần Tú đề cập vấn đề theo quan điểm Thiền định, trong khi Huệ Năng chủ trương Bát-nhã như là điều quan trọng nhất để hiểu Thiền. Trước hết Huệ Năng nói với chúng ta về “thấy” tự tánh, nghĩa là muốn bảo chúng ta tỉnh thức trong Vô niệm. Mặt khác, Thần Tú khuyên chúng ta ‘ngồi thiền định’ để làm lắng dịu những phiền não và vọng niệm của chúng ta và để cho cái tính thanh tịnh vốn có nơi tự tánh của chúng ta tự nó chiếu sáng. Hai khuynh hướng này luôn luôn đi bên cạnh nhau trong lịch sử tư tưởng Thiền, trong mối quan hệ hiển nhiên với hai loại tâm lý tìm thấy trong chúng ta, trực giác và luân lý, lý trí và thực hành.
Những người nhấn mạnh Huệ (Prajñā), như Huệ Năng và các đệ tử của ngài, có khuynh hướng đồng nhất Định (Dhyāna) với Huệ và nhấn mạnh sự phát khởi đột nhiên, tức thời trong Vô niệm. Sự phát khởi trong Vô niệm này, nói về mặt luận lý, có thể là một mâu thuẫn, nhưng Thiền, có một thế giới khác, nó sống đời sống riêng của nó, không ngại những câu nói mâu thuẫn và tiếp tục dùng đặc ngữ của nó.
Như thế trường phái của Huệ Năng phản đối trường phái của Thần Tú vì lý do những người tốn thì giờ ngồi tréo chân thiền định, nỗ lực để được tịch tĩnh là những người say mê tìm kiếm một sự thành tựu cụ thể nào đó. Những người này ủng hộ giáo pháp về tánh bổn tịnh và xem nó là có thể chứng minh được về mặt lý trí. Họ là những người quán một vật đặc biệt mà họ có thể lựa chọn giữa những vật tương đối khác và chỉ nó cho người khác như người ta chỉ mặt trăng. Họ chấp lấy đối tượng đặc biệt này như một cái gì quí giá nhất, quên rằng sự cố chấp này làm giảm giá trị của đối tượng mà họ ấp ủ, do đó đã mang nó xuống đồng hạng như các vật khác. Vì sự chấp trước này và sự ở lại trong đó, họ ấp ủ một trạng thái nhất dịnh nào đó của tâm thức như là điểm tối hậu mà họ phải đạt được. Do đó, họ không bao giờ thực sự tự do, họ không cắt đứt được sợi xích còn giữ họ lại bên này cuộc tồn sinh.
Theo tông Bát-nhã của Huệ Năng, Định và Huệ trở nên đồng nhất trong Vô niệm. Khi có được sự phát khởi trong Vô niệm, đây không phải sự phát khởi của Vô niệm, và Vô niệm luôn luôn ở trong Định, tịch nhiên và bất động.
Không bao giờ nên xem sự phát khởi ấy là kết quả của những nỗ lực như thế. Vì không có sở đắc nào cả trong sự phát khởi của Bát-nhã trong Vô niệm, trong đó sự định trụ không chiếm ưu thế. Đây là điểm được khẳng định nhiều nhất trong tất cả các kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Không có sở đắc và do đó không có chấp trước, không có sở trụ, đây có nghĩa là ở trong Vô niệm hay ở trong Vô trụ.
Nguồn : Thiền Vô Niệm hay Vô Tâm, Daisetz Teitaro Suzuki
Việt dịch: Đỗ Đình Đồng
[^1] Cảnh, chữ Hán là ‘ching’. Nó có nghĩa là “ranh giới”, “một vùng có ranh giới’, “môi trường”, “thế giới khách quan”. Trong nghĩa thuật ngữ, nó đối lập với tâm (hsin).
Publié le : 30-03-2023 - 21:46