Lấy vô niệm làm tông
Lấy vô tướng làm thể
Lấy vô trụ làm gốc
Tam Vô của Lục Tổ dạy đây, nếu người đầy đủ niềm tin, nắm vững để tu hành quyết sẽ đạt đạo, không nghi ngờ. "Lấy vô niệm làm tông" là không động niệm theo cảnh theo duyên tức là không có sanh khởi thì không có diệt, trở về vô sanh. "Lấy vô tướng làm thể" thì không mắc kẹt nơi tướng, ở nơi tướng mà lìa tướng thì tâm sáng ngời. Rồi "Lấy vô trụ làm gốc", tâm đi qua tất cả các cảnh giới tức là thông suốt tự tại. Ứng dụng ba môn đó tu thì bảo đảm là đạt đạo, phiền não làm sao đến được. Đây đúng là Yếu Chỉ Tào Khê. Lục Tổ thường lấy đây chỉ dạy cho người.
Như vậy tóm lại lấy tông chỉ vô niệm mà tu hành thì ngay niệm mà lìa niệm, không theo duyên để mà sanh ra nhiễm trước, là trở về trước khi có niệm. Rồi đối với các tướng mà tâm thường lìa tướng. Trong sinh hoạt hàng ngày, hoặc trong khi ngồi thiền luôn nhớ vậy, có tướng nhưng tâm thường lìa tướng là tự trở về với bản tánh thanh tịnh xưa nay vô tướng, Rồi tâm đi qua tất cả các cảnh giới nhưng không dừng trụ ở bất cứ một cái gì, gọi là không trụ nơi tốt xấu, phải quấy, hay dở, thiện ác, được mất thì trở về với tâm thể tự tại giải thoát, chưa từng sanh diệt, đó là gốc vô trụ, tức là an trụ. Được như vậy thì không còn có ai nắm đứng được, cũng không còn có gì làm lay động được. Cho nên ở trong mỗi niệm tự thấy bản tánh, tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo. Đây là "Yếu Chỉ Tào Khê", nắm vững đó để ứng dụng sống. Đó là con đường đốn giáo mà Lục Tổ chỉ dạy. Đây kết thúc bằng lời của Lục Tổ nhắc: "Này Thiện tri thức, đời sau có người nhận được pháp của tôi, hãy đem pháp môn đốn giáo này đối với người đồng kiến đồng hành, phát nguyện thọ trì như thờ Phật, nên trọn đời chẳng lui sụt, là sắp vào thánh vị. Song cần phải truyền trao. Theo từ trước đến nay là thầm truyền trao phó, chẳng được ẩn giấu chánh pháp ấy. Nếu người chẳng đồng kiến đồng hạnh, ở trong pháp khác thì chẳng truyền trao, vì sẽ làm tổn đến người trước kia, rốt ráo không ích gì. Sợ rằng người ngu chẳng hiểu mà chê bai pháp này thì trăm kiếp ngàn đời đoạn dứt hạt giống Phật." Tức là không hiểu rồi sanh tâm chê bai thì đoạn dứt hạt giống bồ đề này. Nên Ngài mới bảo với người đồng kiến đồng hành có thể tin tưởng sẵn sàng truyền trao để cùng tiến. Còn người ở pháp khác, không có niềm tin thành tổn hại, phải biết khéo để chỉ dạy. Đó là nói qua về Yếu Chỉ Tào Khê là Tam Vô, cho người khéo ứng dụng tu tập để có bước tiến vững trên đường tu.
Nguồn : Tam Vô Của Lục Tổ
Xem thêm : VÔ NIỆM CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG
Publié le : 02-10-2023 - 23:10